Site icon SAIGON THU CUNG

Ngạc nhiên khi chứng kiến cách săn mồi “quá trời lầy” của loài cá này

Để tồn tại trong tự nhiên, động vật đã có rất nhiều cách săn mồi khác nhau. Nhưng nếu đặc biệt nhất, phải kể đến cá măng rổ – loài cá có khả năng tấn công con mồi bằng cách “khạc nhổ” vào mục tiêu.

Còn được gọi là cá cung thủ, cá măng rổ có tên khoa học là Toxotidae. Khác với hầu hết các loài cá khác, chúng có thể sống được cả ở môi trường nước ngọt lẫn nước mặn. Đặc biệt, nó cũng có mặt ở Việt Nam, cụ thể là hạ lưu các con sông thuộc vùng đồng bằng Nam bộ.

Theo như mô tả khoa học, loài cá này có thân dẹt, thon, bụng to, đầu nhọn và có miệng khá rộng. Một chú cá trưởng thành trung bình dài khoảng 18cm.

Khác với các loài cá chỉ săn mồi dưới nước, cá măng rổ lại “ưa thích” bắt côn trùng ở trên bờ. Vậy cách nào để săn mồi dù không thể lên cạn?

Thông thường, chúng sẽ bắt những loài côn trùng như cào cào, kiến, nhện… ở những cành lá sát mặt nước hoặc di chuyển trên mặt nước (đối với một số loài nhện). Nhưng nếu cao hơn một chút, khi đó loài cá này sử dụng “tuyệt chiêu” có 1-0-2 (dù nghe hơi “lầy” và kém vệ sinh một chút) đó là “phun nước bọt”.

Theo một nhà nghiên cứu về loài động vật này cho biết, phần đầu cá măng rổ có cấu tạo khá đặc biệt với khoang miệng rộng và cơ bắp phát triển. Khi săn mồi, nó sẽ hút sẵn một lượng nước, “lượn lờ” gần mặt nước. Nếu thấy con mồi, lập tức các cơ này co bóp, bắn nước với vận tốc 3,01m/s, cao nhất lên tới 3,27m/s.

Với tốc độ này, con mồi sẽ bị hạ gục ngay lập tức và rơi xuống nước. Việc còn lại của chú cá là bơi tới nuốt chửng con mồi đang choáng váng giãy giụa.

Exit mobile version