Site icon SAIGON THU CUNG

GIỚI THIỆU

Nhìn chung, nghề nuôi, sản xuất cá cảnh ở TP Hồ Chí Minh có từ rất lâu và từng có thời kỳ giữ vai trò nhất định ở khu vực Đông Nam Á. Đầu năm 1975, do hậu quả chiến tranh, điều kiện kinh tế nước ta quá khó khăn, mọi tiềm lực dồn cho việc khôi phục đất nước, chú trọng phát triển các ngành công, nông nghiệp nên nghề nuôi, sản xuất, kinh doanh cá cảnh dần dần giảm sút.

Những năm gần đây, mức sống của người dân thành phố ngày càng phát triển, nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc cơ bản đã được giải quyết thì việc vui chơi, sản xuất, kinh doanh cá cảnh bắt đầu nhộn nhịp trở lại và có chiều hướng phát triển. Người dân trong nghề nuôi cá cảnh đã chủ động tìm, cải tạo giống lạ – đẹp và tìm thị trường nước ngoài cho cá cảnh.

Trên địa bàn thành phố có khoảng 200 hộ làm nghề nuôi, sản xuất cá cảnh, tập trung nhiều ở các quận 8, 12, Gò Gấp, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Củ Chi và rải rác ở quận 9. Gần 100% các hộ sản xuất cá cảnh nước ngọt với diện tích 15 – 20 ha mặt nước ao nuôi, 25.000 – 30.000 m2 bể xi măng và khoảng 3.000 m2 bể kiếng. Hàng năm, số lượng sản xuất và tiêu thụ khoảng 90 triệu con. Doanh số bình quân hằng năm mỗi hộ 80 – 100 triệu, thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng.

Đối tượng sản xuất được xếp vào hai loại chính là: Cá đá (xiêm, lia thia, phướn…) và cá làm cảnh (được xếp làm 3 nhóm: Nhóm cá đại trà có nhiều hộ sản xuất: Bảy màu, hồng kim, hắc kim, tỳ bà, ông tiên, ba đuôi, tai tượng Phi Châu; Nhóm cá ít hộ sản xuất: Cá dĩa, cá la hán, chép Nhật…; Nhóm mới khai thác tự nhiên làm cảnh: Cá nàng hai (còm), nâu, long tong, sặc…)

Hiện, trên địa bàn thành phố có khoảng 100 – 120 cửa hàng và địa điểm buôn bán lẻ cá cảnh. Trong đó phải kể đến là chợ cá cảnh Lưu Xuân Tín ở quận 5 và Nguyễn Thông ở quận 3, Cộng Hòa ở Tân Bình. Ngoài ra, rải rác ở các quận, huyện khác trong thành phố như quận Thủ Đức, quận 9, huyện Bình Chánh.

Theo ông, tiềm năng để phát triển ngành cá cảnh Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng là gì?

Việt Nam là quốc gia nằm trong 3 khu vực (Nam Mỹ, Phi Châu và Đông Nam Á) có nguồn cá cảnh nổi tiếng của thế giới. Khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam thích hợp phát triển nhiều loài cá cảnh nội địa và nhiều loài cá đẹp quý hiếm (cả nước mặn và ngọt). Và, hầu như các loại cá cảnh trên thế giới đều đã có ở Việt Nam.

Riêng đối với thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành cá cảnh. Trước hết phải kể đến là khí hậu nhiệt đới nên có thể sản xuất được nhiều loài cá cảnh và sản xuất được quanh năm. Thức ăn tự nhiên – nguồn thực phẩm thiết yếu của nhiều loài cá cảnh, dồi dào trong các hệ thống sông rạch. Giá thành sản xuất thấp do giá nhân công, thức ăn và chi phí khấu hao trang thiết bị thấp (vì sản xuất được quanh năm).

Thêm vào đó, với vị trí là trung tâm kinh tế năng động, TP Hồ Chí Minh có lợi thế trong việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại. Ngoài ra, đây cũng là nơi tập trung đông nghệ nhân nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và yêu nghề…

Exit mobile version